Đánh giá, quan điểm thay đổi Phong_trào_Tân_văn_hóa

Đây là một phong trào văn hóa lớn tại Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20 thu hút nhiều trí thức nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc đương thời trong nhiều lĩnh vực học thuật với nhiều khuynh hướng tư tưởng khác nhau. Các sử gia chính thống coi Phong trào Tân văn hóa đã bẻ gãy tư tưởng, hành vi xã hội phong kiến và gieo nầm mống lãnh đạo cách mạng thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc, sau sáng lập Nước cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949. Mao Trạch Đông viết rằng Phong trào Ngũ Tứ "đánh dấu giai đoạn mới của cách mạng tư sản-dân chủ chống thực dân và phong kiến của Trung Quốc" và cho rằng "một nhóm quyền lực mới xuất hiện trong cuộc cách mạng, bao gồm giai cấp lao động, đoàn thể sinh viên và giai cấp tư sản dân tộc mới"[21].

Sử gia phương Tây cũng thấy phong trào là mốc phân cách truyền thống và hiện đại, nhưng trong các thập niên gần đây, các nhà sử học Trung Quốc và phương Tây lại cho rằng các cải cách được giới lãnh đạo Tân văn hóa chủ trương có gốc ở vài thế hệ trước và không phải là đột phá với truyền thống khá đa dạng, nhưng là đẩy nhanh các khuynh hướng trước kia.[22] Nghiên cứu trong 50 năm qua cũng phát hiện rằng tuy các trí thức Marxist cực đoan quan trọng với phong trào, cũng có các lãnh đạo có ảnh hưởng lớn khác bao gồm những người vô chính phủ, bảo thủ, Cơ Đốc giáo và tự do. Tuy việc đánh giá lại không thách thức các bình luận của các nhà tư tưởng và tác giả đương thời, nhưng cũng không chấp nhận quan điểm cho rằng các trí thức trong phong trào Tân văn hóa là những nhà cách mạng văn hóa.[23]

Các sử gia khác cho rằng phong trào cách mạng cộng sản Trung Quốc bắt nguồn từ những trí thức Marxist nổi tiếng trong phong trào Tân văn hóa như Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú nhưng dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông cuộc cách mạng cộng sản đã không giữ lời hứa của phong trào Tân văn hóa, khai sáng nhưng phản bội tinh thần tự do học thuật, biểu đạt độc lập và chủ nghĩa thế giới của phong trào.[24] Dư Anh Thời là học trò của học giả Tiền Mục gần đây biện hộ cho tư tưởng Nho giáo trước sự chỉ trích của phong trào Tân văn hóa rằng nhà Thanh Trung Quốc bảo thủ, phi lý và cô lập với thế giới nhưng đã tạo ra các điều kiện cho cách mạng cấp tiến, tuy nhiên các nhà tư tưởng của nhà Thanh đã dùng tiềm năng sáng tạo của Khổng Tử để phát triển Nho giáo.[25]

Hứa Kỷ Lâm là trí thức Thượng Hải đại diện khuynh hướng tự do đồng ý với quan điểm chính thống rằng Phong trào Tân văn hóa là nền tảng của phong trào Cách mạng cộng sản Trung Quốc, nhưng đánh giá kết quả khác. Theo Kỷ Lâm, giới trí thức Tân văn hóa thấy xung đột giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thế giới khi tìm "chủ nghĩa yêu nước hợp lý" nhưng phong trào thế giới của thập niên 20 bị thay bằng "thời kỳ dân tộc mới". Kỷ Lâm cho rằng "như ngựa xổng chuồng, lòng yêu nước mù quáng một khi thoát xiềng thì không thể hạn chế, đặt nền tảng cho kết quả an bài của lịch sử Trung Quốc trong nửa đầu thế kỷ 20"[26].